Sau khi chơi hoa được khoảng 2-3 tháng, lan hồ điệp bắt đầu tàn. Đây là thời điểm cây bắt đầu lụi dần, dễ sâu bệnh và cần được chăm sóc phù hợp. Người trồng cây nên quan sát rễ cây xem có bị thối không và rút bỏ bầu nhựa đi. Nếu thấy rễ cây vẫn xanh tươi, ít thối thì giữ nguyên bầu cây. Nếu rễ cây bị hỏng nhiều thì gỡ bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây, cắt bỏ hết những phần rễ thối. 
 
Tiếp theo sau đó, dùng kéo cắt bỏ ngồng hoa đã tàn,  không cắt sát quá dễ làm dập gẫy lá và dễ bị thối lan và thối cây. Dùng bông y tế chấm ít thuốc atonic đặt vào chỗ đã vắt 1 tuần rồi mở ra. Sau 1-2 tháng có khả năng ra cây con. Với những lá ít bị bệnh, lá chưa úa nhiều thì giữ lại những lá đó bằng cách cắt bỏ phần lá bị hỏng. Khi cắt cần lưu ý lựa chọn dụng cụ cắt sắc để tránh làm tổn thương cây. Còn những lá bị bệnh nhiều, có nấm loang rộng thì nên cắt bỏ hoàn toàn tránh lây lan sang những lá khác. 
 
 
Những cây bị cắt rễ sẽ khó đứng vững nên sử dụng một miếng xốp hình chữ nhật, cho cây đặt vào chính giữa miếng xốp đó. Buộc dây vào gốc và buộc cố định chắc chắn sang hai bên để cây khong bị lung lay khi di chuyển chậu. Nên để cây ở khu vực mát, tránh mưa, để khô khoảng 3 ngày thì tưới đẫm chậu cây 1 lần. Sau đó pha loãng phân bón B1 hoặc thuốc kích thích tăng trưởng, phun sương ẩm hàng ngày cho cây. Khoảng 1-2 tuần rễ cây sẽ nhú, đợi rễ cây non cắm vào giá thể thì đổ thêm đất vào. Sau 1-2 tháng cây phát triển ổn định trở lại thì bón phân, tưới nước như bình thường.